Đột quỵ – Biến chứng thường gặp của Tăng huyết áp

Đột quỵ là nguyên nhân đứng hàng thứ ba dẫn đến tử vong sau bệnh tim mạch và ung thư.

Đột quỵ - Biến chứng thường gặp của Tăng huyết áp
Đột quỵ – Biến chứng thường gặp của tăng huyết áp

Tại Mỹ, mỗi năm có khoảng 600.000 người mới mắc và tái phát đột quỵ, trong đó có khoảng 160.000 người bị tử vong. Tiên lượng của bệnh phụ thuộc rất nhiều vào việc sơ cấp cứu. Hiện nay, việc điều trị ngày càng có nhiều tiến bộ, điều này giúp giảm tỷ lệ tử vong và kéo dài cuộc sống cho bệnh nhân nhưng mức độ tàn phế vẫn còn là một thách thức và là gánh nặng cho gia đình, xã hội.

Đột quỵ là hiện tượng máu lên não bị gián đoạn đột ngột, hậu quả là tế bào não bị chết do thiếu oxy. Có 2 hình thái đột quỵ thường gặp nhất là đột quỵ do thiếu máu não cục bộ và đột quỵ do xuất huyết não.

Đột quỵ là biến chứng thường gặp nhất của các bệnh nhân Tăng huyết áp.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây ra đột quỵ do thiếu máu não cục bộ thường do cục máu đông trong tim hay mảng xơ vữa trong mạch máu trôi lên não gây tắc mạch não. Đột quỵ do xuất huyết não xảy ra khi một mạch máu trong não bị vỡ dẫn đến thiếu máu cho vùng não do mạch máu đó chi phối. Nguyên nhân thường gặp là cơn tăng huyết áp, dị dạng mạch não bẩm sinh, rối loạn đông máu hoặc bệnh nhân điều trị quá liều thuốc chống đông…

Diễn biến

Đột quỵ cũng có thể biểu hiện một cách từ từ, nhưng thường là xảy ra khá đột ngột với rất ít dấu hiệu báo trước. Những dấu hiệu của cơn đột quỵ có thể gặp là:

– Đột nhiên bị đau đầu dữ dội, choáng váng, chóng mặt, mất tri giác, ngủ gà hoặc bán mê, hôn mê.

– Đột nhiên nhìn mờ hoặc nhìn nhòe, có thể chỉ bị ở một bên mắt.

– Nói ngọng hoặc không nói được.

– Méo miệng, sụp mi, yếu hoặc liệt nửa người.

– Tiểu tiện không tự chủ hoặc bí tiểu hoàn toàn.

Khi thấy bất cứ dấu hiệu nào như kể trên, phải gọi xe cấp cứu để người bệnh được đưa đến cơ sở y tế ngay lập tức.

Phòng ngừa đột quỵ: cần giảm các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch

– Phát hiện Tăng huyết áp sớm và điều trị tốt Tăng huyết áp, nhất là ở những người trên 40 tuổi, có tiền sử gia đình Tăng huyết áp và/hoặc có bệnh tim mạch.

– Điều trị rối loạn nhịp tim.

– Giảm cholesterol trong máu, ăn ít chất béo, giảm muối, ăn nhiều rau và hoa quả.

– Phát hiện và điều trị bệnh tiểu đường (nếu có).

– Không hút thuốc lá, thuốc lào; hạn chế uống rượu, bia.

– Không dùng các chất kích thích hoặc ma túy.

– Tập thể dục và đi bộ nhẹ nhàng hằng ngày.

Ngoài ra, cần chú ý:

– Tránh bị lạnh đột ngột, tránh tắm khuya hoặc ở nơi gió lùa, đặc biệt với người tăng huyết áp.

– Tránh trạng thái căng thẳng thần kinh, xúc động mạnh. Đảm bảo giấc ngủ tốt.

– Tuyệt đối không hút thuốc lá, thuốc lào.

– Tránh táo bón, đặc biệt với người già. Nên tăng cường ăn nhiều rau xanh và hoa quả tươi.

– Tránh vận động thể lực quá mức như mang vác nặng, chơi thể thao quá sức.

– Cần đảm bảo chế độ ăn đủ chất và cân đối. Không nên ăn mặn. Nên dùng dạng thức ăn mềm, dễ tiêu như cháo, súp, sữa, nước hoa quả tươi. Kiêng sử dụng các chất béo và chất kích thích (rượu, bia, chè đặc, cà phê).

– Khám, kiểm tra sức khoẻ định kỳ, nếu phát hiện bệnh thì cần phải điều trị ngay.

Theo: GS.TS. Nguyễn Lân Việt – Trưởng ban Quản lý dự án Phòng chống bệnh tim mạch – Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai

Nguồn: Sức khỏe & Đời sống