Những lưu ý khi dùng thuốc chống nôn

Buồn nôn và nôn là một triệu chứng rất thường gặp và do nhiều nguyên nhân gây nên. Thuốc chống nôn sẽ được dùng để ứng phó với các tình trạng này. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây nôn/buồn nôn mà chọn thuốc dùng phù hợp. Tuy nhiên khi sử dụng cần chú ý tới những bất lợi do thuốc gây ra…

Những lưu ý khi dùng thuốc chống nôn

Thuốc chống nôn do say tàu xe

Say tàu xe là cảm giác hình thành khi chuyển động cảm nhận trong tai, chuyển động cảm nhận ở mắt và cảm nhận ở cơ bắp xung đột với nhau. Khi đó, não bộ không thể xử lý tất cả các tín hiệu xung đột này, gây cảm giác chóng mặt và buồn nôn.

Trong trường hợp này có thể dùng các thuốc kháng histamine như: dimenhydrinate, diphenhydramine, meclizine, promethazine… Đây là các loại thuốc chống dị ứng nhưng có khả năng tạo cảm giác cân bằng. Uống thuốc trước khi khởi hành khoảng nửa giờ, mỗi liều uống cách nhau từ 4 – 6 giờ.

Một vài trong số các loại thuốc này có sẵn dưới dạng thuốc không kê đơn (có thể mua không cần đơn tại nhà thuốc). Tuy nhiên cần sự tư vấn của dược sĩ để dùng thuốc cho đúng.

Bài giảng nhóm thuốc kháng Histamin h1
Say tàu xe có thể dùng thuốc kháng histamine để chống nôn/buồn nôn.

Thuốc chống nôn sau phẫu thuật

Những người cần gây mê để trải qua phẫu thuật thường phàn nàn buồn nôn và nôn sau phẫu thuật. Một vài loại thuốc khác nhau có thể giúp ứng phó với tình trạng này, ví dụ như các thuốc ức chế thụ thể serotonin (granisetron, ondansetron), thuốc ức chế thụ thể dopamine (droperidol, metoclopramide) và một số corticosteroid (dexamethasone)…

Thuốc chống nôn cho bệnh nhân ung thư và hóa trị

Những người bệnh ung thư điều trị bằng hóa trị có thể gặp buồn nôn và nôn. Các bác sĩ có thể kê toa các loại thuốc chống nôn khác nhau cả trước và sau khi điều trị hóa trị để giúp ngăn ngừa các triệu chứng này và cho phép người bệnh trải nghiệm chất lượng cuộc sống cao hơn. Các thuốc này bao gồm: thuốc ức chế thụ thể serotonin (granisetron, dolasetron, ondansetron, palonosetron) và dopamine (prochlorperazine), thuốc ức chế thụ thể NK1 (rolapitant) và corticosteroid (dexamethasone).

Thuốc chống nôn cho bệnh viêm dạ dày ruột

Trong khi nôn có thể giúp loại bỏ các chất kích thích dạ dày, nhưng nôn quá nhiều có thể gây hại đường tiêu hóa. Trong một số trường hợp có thể phải dùng thuốc chống nôn để giảm triệu chứng.

Một số loại thuốc có thể dùng như: Bismuth subsalicylate; thuốc phối hợp natri citrate/dextrose/fructose; hay dung dịch carbohydrat bổ sung phosphor cũng có thể dược sử dụng để giảm các triệu chứng buồn nôn, nôn liên quan đến dạ dày gây ra bởi viêm dạ dày-ruột do virus.

Thuốc chống nôn khi mang thai

Phụ nữ mang thai bị ốm nghén có thể sử dụng thuốc chống nôn để giảm triệu chứng. Tuy nhiên chỉ dùng thuốc chống nôn trong các tình huống nghiêm trọng, làm ảnh hưởng tới cuộc sống hàng ngày.

Một vài loại thuốc khác nhau có thể sử dụng như: dimenhydrinate,  prochlorperazine, promethazine, vitamin B6. Có thể dùng metoclopramide cho những người không đáp ứng tốt với các phương pháp điều trị khác. Tuy nhiên người bệnh không tự ý sử dụng.

Thuốc chống nôn tự nhiên

Gừng là chất chống nôn tự nhiên được biết đến nhiều nhất, thường sử dụng chống lại các triệu chứng như buồn nôn và đau dạ dày. Gừng hiện có sẵn trong kẹo, đồ uống và trà. Các nghiên cứu đã cho thấy, gừng làm giảm đáng kể các triệu chứng buồn nôn và nôn ở nhiều người.

Ngoài ra, các loại tinh dầu từ một số loại thảo mộc cũng có thể giúp buồn nôn và nôn như: Bạc hà, chanh và tinh dầu gừng…

Những lưu ý khi sử dụng

Tác dụng phụ thường gặp của từng loại thuốc bao gồm: Thuốc kháng histamine thường gây buồn ngủ, khô miệng và khô mũi; các thuốc corticosteroid có thể làm tăng cảm giác ngon miệng, mụn trứng cá, khát nước; thuốc ức chế thụ thể dopamine gây mệt mỏi, táo bón, khô miệng, ù tai, bồn chồn, co thắt cơ bắp; thuốc ức chế thụ thể NK1gây khô miệng, giảm lượng nước tiểu và ợ nóng; thuốc ức chế thụ thể serotonin gây mệt mỏi, khô miệng và táo bón…

Trong quá trình sử dụng, một số biến chứng có thể xảy ra như: Yếu cơ, co thắt hoặc co giật; thay đổi nhịp tim (đánh trống ngực hoặc nhịp tim nhanh), mất thính lực; buồn nôn hoặc nôn nặng hơn, ngay cả khi đang dùng thuốc; buồn ngủ (làm ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày); ảo giác, nhầm lẫn…

Thuốc chống nôn có thể gây tương tác với các loại thuốc điều trị khác. Một số thuốc có tác dụng phụ tương tự như thuốc chống nôn, vì vậy khi dùng cùng lúc có thể làm cho tác dụng phụ trở nên tồi tệ hơn. Các thuốc đó bao gồm: thuốc ngủ, thuốc trị viêm khớp, chất làm loãng máu, thuốc chống trầm cảm… Vì vậy, trước khi dùng thuốc chống nôn, người bệnh cần cho bác sĩ biết nếu mình đang dùng bất kỳ loại thuốc nào để tránh các tương tác bất lợi.

Trong quá trình sử dụng thuốc nếu gặp bất lợi hay biến chứng do thuốc cần thông báo cho bác sĩ biết hoặc đi khám ngay để được xử lý kịp thời, thích hợp.

Nguồn Sức khỏe Đời sống