Mạo danh bệnh viện TWQĐ 108: Nhiều khách hàng làm đẹp bị lừa tiền mất tật mang

Thời gian gần đây, nhiều bệnh viện tuyến trung ương có khoa phẫu thuật thẩm mỹ liên tiếp lên tiếng cảnh báo về việc một số cơ sở thẩm mỹ đã giả mạo bác sĩ, bệnh viện nhằm lôi kéo khách hàng để trục lợi. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khách hàng cả tin, bị lừa bởi các chiêu trò “giảm giá”, “bác sĩ xịn trung ương” … nên đã gánh hậu quả nặng nề.

Mạo danh bệnh viện TWQĐ 108: Nhiều khách hàng làm đẹp bị lừa tiền mất tật mang
Lập lờ tên gọi, mạo danh bệnh viện khiến nhiều khách hàng bị lừa.

“Cò mồi” từ cổng bệnh viện đến mạng xã hội

Cuối năm 2020, bà N.T.N đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (BVTWQĐ 108) để chỉnh lại mũi. Trước đó bà đã từng nâng mũi ở một cơ sở thẩm mỹ, nhưng do tai nạn nên mũi bị lệch nên bà muốn đến bệnh viện để sửa lại. Vừa đến cổng bệnh viện, bà đã được “nhân viên” đon đả chào mời đến “phòng khám thẩm mỹ 108 bên ngoài bệnh viện”.

Nghe giải thích là phòng khám ngoài bệnh viện nhưng có bác sĩ 108 mổ nên bà N. tin tưởng. Tại “phòng khám 108”,  sau khi được tư vấn đủ các loại dịch vụ “siêu phẩm, siêu kỹ thuật, siêu giảm giá” rồi thì chi phí “chỉ còn” 105 triệu cho dịch vụ nâng mũi, cắt treo cung mày, lấy mỡ mi mắt.

Sau khi bị cơ sở mạo danh đặt miếng độn mũi mới chồng lên miếng độn cũ và phải trả chi phí quá cao do dịch vụ thẩm mỹ, nạn nhân còn phải chịu đựng sự viêm sưng suốt dịp Tết

Sau khi làm thẩm mỹ xong, bà N. mới biết là đã phải trả chi phí quá đắt cho mấy dịch vụ làm đẹp này. Bị lừa mất một khoản tiền khá lớn, tiếc của chỉ là một phần, mà điều khiến bà bực bội đến “phát cuồng” là sau mổ cả tháng mà mặt bị sưng vù, mũi viêm tấy lở loét chảy dịch.

Bà đến cơ sở thẩm mỹ đó để khám lại thì được nhân viên giải thích là do bà có u xơ ở mũi nên mới xảy ra tình trạng như vậy. Tiếp đó là đến dịch COVID-19, mà bà N. lại ở trong vùng dịch nên bà phải mang khuôn mặt sưng tấy cùng sự tức giận suốt dịp Tết. Đợi đến khi hết dịch, bà mới đến được Bệnh viện TWQĐ 108 để xử lý.

Xử lý ca bệnh này, PGS.TS.Vũ Ngọc Lâm – Giám đốc Trung tâm phẫu thuật sọ mặt và tạo hình BVTWQĐ 108 phải thốt lên: “Lần đầu tiên trong mấy chục năm làm nghề, đã gặp và xử trí rất nhiều ca phẫu thuật thẩm mỹ hỏng nhưng vẫn không thể tin được có một ca mà người ta có thể làm ẩu như thế”. Vì sau khi đã rút chất liệu nâng mũi ra để xử lý viêm sưng và thủng da mũi, kiểm tra lại qua lỗ thủng da ở sống mũi, vẫn còn nguyên một thanh chất liệu cũ.

2 miếng độn được lấy ra từ mũi nạn nhân.

Không chỉ bà N., mà rất nhiều phụ nữ qua quảng cáo và mời chào trên mạng xã hội, đã đến cơ sở mạo danh, với tên gọi Khoa phẫu thuật thẩm mỹ – Bệnh viện 108 HN; Phẫu thuât – Viện thẩm mỹ QĐ 108 – Hà Nội… để làm thẩm mỹ: độn thái dương, nâng cung mày, căng da mặt, cắt mí, bóc mỡ bọng mắt…, sau đó gặp tình trạng đau đầu, mờ mắt…

Chị H. – một nạn nhân cũng bị đau kéo dài nửa năm sau khi nâng cung mày, căng da mặt, độn thái dương, chia sẻ: Họ tư vấn rất khéo, lại có biển hiệu Bệnh viện 108 và bác sĩ 108 nên chúng tôi mới bị mắc bẫy.

Bệnh viện cảnh báo nhưng vẫn còn nhiều người mắc bẫy

Theo thông tin từ phía bệnh viện, thời gian qua, BVTWQĐ 108 đã có nhiều bài cảnh báo và phản ánh tình trạng mạo danh Fanpage bệnh viện, bác sĩ của bệnh viện. Tuy nhiên các trang mạo danh vẫn tiếp tục hoành hành và xuất hiện, hiển thị liên tục trên các trang của người dùng Facebook. Các trang này không chỉ mạo danh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ, làm đẹp mà còn bán thuốc, thực phẩm chức năng, thuốc đông y, dịch vụ điều trị các bệnh nan y…

Các trang mạng mạo danh bệnh viện

Nếu người dùng bình luận hoặc nhấn vào dòng chữ nhắn tin, các trang này sẽ tự động nhắn tin tới người dùng dạng chatbot (phần mềm cài đặt trả lời tự động của Facebook), đồng thời yêu cầu người dùng cung cấp họ tên, số điện thoại để có được tư vấn trực tiếp hoặc ưu đãi giảm giá dịch vụ, hàng khuyến mại… thực chất đây là hành động lấy thông tin cá nhân của khách hàng.

Hàng nghìn người sử dụng Facebook nhận được các nội dung này, nhiều người đã bình luận và tức giận khi bị lừa. Thậm chí, tại BVTWQĐ 108 còn tiếp nhận nhiều trường hợp tai biến sau phẫu thuật thẩm mỹ do làm ở các cơ sở mạo danh bệnh viện với hậu quả nặng nề. 

Về vấn đề này, GS.TS Mai Hồng Bàng – Giám đốc BVTWQĐ 108 chia sẻ: Chúng tôi đã có văn bản gửi Sở Y tế, UBND TP Hà Nội và các cơ quan chức năng khác tại nơi mà cơ sở giả mạo đặt địa chỉ kinh doanh. Một số đơn vị mạo danh đã bị cơ quan chức năng xử trí, như cơ sở số 2 Đỗ Đức Dục đã bị xử phạt.

Tuy nhiên còn nhiều cơ sở mạo danh khác mà đến nay chưa xử lý triệt để được. Đây không chỉ là vấn đề vi phạm đạo đức, làm ảnh hưởng uy tín của BVTWQĐ 108 mà còn là vấn đề sức khỏe và tính mạng của người dân cũng bị đe dọa.

Về vấn đề “cò mồi” ở cổng bệnh viện, PGS.TS Phạm Nguyên Sơn – Phó giám đốc BVTWQĐ 108 cho biết: Thời gian qua chúng tôi đã phối hợp với nhiều lực lượng, tổ chức đấu tranh quyết liệt với các đối tượng cò mồi. Tuy nhiên do họ hoạt động ngoài khu vực bệnh viện quản lý nên việc xử lý dứt điểm còn nhiều khó khăn.

Rất mong người dân khi đi khám bệnh hay làm đẹp tại BVTWQĐ 108 phải vào trong khuôn viên của bệnh viện để được hướng dẫn cụ thể, nhân viên của bệnh viện luôn mặc đồng phục có in dấu logo của bệnh viện. Tuyệt đối không nghe theo sự lôi kéo, hướng dẫn ngoài cổng bệnh viện…

PGS.TS Vũ Ngọc Lâm – Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật sọ mặt và tạo hình, người thường xuyên phải xử trí các ca phẫu thuật hỏng từ các cơ sở mạo danh, các cơ sở spa chia sẻ: Bệnh viện của chúng tôi tên đầy đủ là Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (BVTWQĐ 108), nhưng người dân theo thói quen chỉ gọi là Bệnh viện 108, Viện 108… Vì thế các cơ sở này đã lập lờ tên gọi và gắn 108 với những tên “thẩm mỹ 108” để lừa gạt khách hàng. Đến nay, chúng tôi chỉ có duy nhất một cơ sở tại địa chỉ số 1 Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Ngay khi phát hiện hàng loạt sai phạm của cơ sở Khoa phẫu thuật thẩm mỹ – Bệnh viện 108 HN, UBND quận Nam Từ Liêm đã kiểm tra đột xuất và phát hiện: Cơ sở này thực hiện dịch vụ thẩm mỹ xâm lấn gây chảy máu, không đúng với ngành nghề đã đăng ký. Cơ quan chức năng đã xử phạt khung cao nhất 50 triệu đồng và thu hồi đăng ký kinh doanh. Trước đó, cơ sở này cũng đã từng 2 lần bị xử phạt do vi phạm quảng cáo và không có giấy phép hoạt động. Vì  đã có 3 lần sai phạm nên UBND quận Nam Từ Liêm sẽ không cấp giấy đăng ký kinh doanh liên quan đến hoạt động làm đẹp, dịch vụ thẩm mỹ tại địa chỉ số 2 Đỗ Đức Dục, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Cơ quan chức năng cũng khuyến cáo, người dân tuyệt đối không đến địa điểm này để làm các dịch vụ thẩm mỹ.

Theo: Thu Hà – suckhoedoisong.vn