Người dân, bác sĩ và dược sĩ đang chung tay đẩy tình trạng kháng kháng sinh ở Việt Nam lên top đầu thế giới

Kết quả xét nghiệm kháng sinh đồ gần đây đã cho thấy có nhiều trường hợp bệnh nhân đã kháng đến cả colistin và carbapenem, những kháng sinh dự phòng được coi là lựa chọn cuối cùng trong điều trị nhiễm khuẩn. 

Người dân, bác sĩ và dược sĩ đang chung tay đẩy tình trạng kháng kháng sinh ở Việt Nam lên top đầu thế giới

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự báo đến năm 2050 chi phí do kháng kháng sinh trên toàn cầu lên tới 100 nghìn tỷ USD và gây ra khoảng 10 triệu ca tử vong trong mỗi năm. Hậu quả kinh tế của kháng kháng sinh được cho là nặng nề tương đương với khủng hoảng tài chính. Hàng năm, trên thế giới có hàng triệu người chết do kháng thuốc, trong đó có 1,4 triệu trường hợp là trẻ em. Nếu kháng thuốc, người bệnh phải nằm viện lâu hơn và tỷ lệ tử vong tăng ở tất cả các nhóm tuổi. Cụ thể, theo thống kê tại châu Âu, số ngày nằm viện đã tăng khoảng 2,5 triệu ngày, tỷ lệ tử vong khoảng 25.000 người/năm; tại Thái Lan số ngày nằm viện cũng tăng hơn 3,2 triệu ngày nằm viện và tử vong 38.000 người/năm…

WHO cũng đã đưa Việt Nam vào nhóm các nước có tỷ lệ kháng kháng sinh cao nhất thế giới. Bản đồ sử dụng kháng sinh năm 2015 của Tổ chức IMS Health cũng cho thấy Việt Nam thuộc nhóm nước sử dụng nhiều kháng sinh. Nguyên nhân của tình trạng đề kháng kháng sinh đến từ nhiều phía. Từ phía thầy thuốc, đó là hệ quả của việc bác sĩ kê đơn kháng sinh chưa hợp lý, chỉ định sử dụng quá mức (phổ rộng, liều cao, kéo dài…) hoặc sử dụng không đủ liều. Ngoài ra, thực trạng các dược sĩ tùy tiện kê kháng sinh bán, người dân tự mua kháng sinh không cần kê đơn, sử dụng tùy tiện dẫn đến hệ lụy những loại thuốc kháng sinh đang dùng để điều trị các bệnh cơ bản không còn hiệu lực.

Mất hàng chục năm trời để nghiên cứu, hàng tỷ USD chi phí mới cho ra đời được 1 thuốc mới. Vậy mà cứ sử dụng bừa bãi để vi khuẩn kháng hết kháng sinh.

Không chỉ sử dụng kháng sinh bừa bãi trên người, hiện nay việc sử dụng kháng sinh bừa bãi trong chăn nuôi như một chất kích thích tăng trưởng cũng là một nguyên nhân gây kháng thuốc. Trong khi nhiều quốc gia phát triển vẫn sử dụng kháng sinh thế hệ 1 hiệu quả thì Việt Nam lại phải dùng tới kháng sinh thế hệ 3, 4. Hiện kháng kháng sinh đã trở thành một trong những mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe và sự phát triển. Mối đe dọa này khiến con người dễ quay về thời kỳ chưa có kháng sinh và không thể điều trị nhiều bệnh lý nguy hiểm. Nếu tình trạng này tiếp tục, tương lai kháng sinh sẽ trở nên vô ích và con người đứng trước những căn bệnh không còn thuốc chữa.

Tại Việt Nam đã xuất hiện các loại vi khuẩn kháng đa thuốc, mức độ kháng ngày càng gia tăng. Nhất là ở nhóm vi khuẩn gram âm, thường xuất hiện trong các bệnh viện đã có vi khuẩn biến đổi gen đa kháng với các dòng kháng sinh thế hệ mới. Đây là một điều hết sức nguy hiểm vì người bệnh có thể dễ dàng chết vì những bệnh đơn giản, nhiễm trùng vì thuốc kháng sinh không còn tác dụng; thậm chí các bệnh đơn giản cũng khiến người bệnh tử vong nhanh hơn cả ung thư. Để góp phần hạn chế tình trạng này, cần phải sử dụng kháng sinh có trách nhiệm hơn. Hiện có nhiều bệnh lý như cảm lạnh, sốt do siêu vi, cảm cúm, sổ mũi, đau họng… sẽ có thể tự khỏi sau từ 5- 7 ngày. Bệnh nhân chỉ cần nghỉ ngơi, ăn uống và vận động hợp lý theo chỉ dẫn của bác sĩ tại phòng khám. Bệnh sẽ tự khỏi mà có thể không cần dùng đến thuốc kháng sinh. Mong rằng toàn dân cùng nhau hành động, ý thức được việc cần phải sử dụng kháng sinh hợp lý để tránh nguy cơ hết kháng sinh để sử dụng đang đến rất gần.